Có lẽ rất nhiều người khi lên vùng cao Tây Bắc đều rất ấn tượng với những miếng thịt lợn đen gác bếp dai, đậm đà với vị ngọt tự nhiên, thoảng chút thơm nồng rất lạ của khói bếp.
Ngoài món thịt trâu gác bếp rất nổi tiếng thì Tây Bắc còn có một món khác cũng ngon không hề kém cạnh đó là thịt lợn khô gác bếp. Chẳng thế mà món ăn này cũng là một đặc sản vùng cao nên thử đôi lần. Với hương vị từ núi rừng, món ăn này làm hài lòng thực khách ngay từ khi thưởng thức lần đầu tiên.
Đặc sản thịt lợn khô gác bếp Tây Bắc
Lợn là vật nuôi khá phổ biến ở vùng cao Tây Bắc, hầu như gia đình nào cũng có một vài con, có khi là cả đàn. Thịt được chọn để làm thịt gác bếp chẳng phải là loại thịt lợn được nuôi bở những thức ăn công nghiệp mà phải là từ giống lợn đen chăn thả tự nhiên trong rừng. Giống lợn này rất nhỏ, có màu đen, chạy nhiều lại ăn cây cỏ tự nhiên nên thịt rất chắc, ăn thơm dai chẳng khác nào thịt lợn rừng.
Đúng như tên gọi, thịt lợn gác bếp chín nhờ sức nóng của khói bếp. Lợn sau khi mổ xong sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ, dọc theo sườn. Bỏ thịt lên xát muối, bóp rượu, vắt nước của lá rừng rồi ủ ba đến bốn ngày. Sau khi ủ xong thịt sẽ được rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội,phơi ráo nước rồi treo lên gác bếp.
Miếng thịt lợn thơm nồng khói bếp
Làm thịt lợn gác bếp không khó nhưng cũng đòi hỏi sự công phu, khéo léo và cả kinh nghiệm. Có kinh nghiệm được tích lũy lâu năm thì món thịt làm ra mới thơm ngon và chuẩn vị nhất. Nếu không thành phẩm làm ra sẽ không ngon, không “chuẩn” vị của món thịt lợn gác bếp Tây Bắc.
Ngoài việc sấy bằng lửa, để cho thịt thơm ngon hơn, đồng bào dân tộc vùng cao còn lấy bã mía và lá ngải cứu để hun thịt. Hương của ngải cứu, mùi thơm ngọt của mía quyện vào từng thớ thịt làm món ăn này có hương vị rất đặc biệt. Những miếng thịt được ướp muối, gia vị, “ăn khói” cứ thế khô dần.
Quá trình hun khói phải liên tục nếu không thịt sẽ bị hỏng và không có mùi thơm đặc trưng của món ăn. Ban đầu thịt đỏ hồng nhưng dần dần thịt bám khói chuyển sang màu nâu. Bên ngoài khô nhưng bên trong vẫn đỏ hồng, đậm đà. Chẳng cần phương pháp chế biến hiện đại, chẳng cần máy móc cầu kì cũng không hề dùng chất bảo quản nhưng lạ thay món ăn này vẫn để được rất lâu mà vẫn không hề làm mất đi vị thơm ngon của thịt.
Bên trong thịt vẫn có màu hồng tự nhiên
Trước khi ăn thịt lợn khô gác bếp thường được nướng hoặc hấp lại cho nóng rồi dùng tay xé nhỏ, chấm với chẳm chéo là ngon nhất. Chỉ cần chút hạt dổi, chút rau rừng giã nhỏ với muối là đã có bát chẳm chéo thơm ngon làm miếng thịt thêm đậm đà và tròn vị hơn. Thịt lợn khô gác bếp mềm và dễ xé hơn thịt trâu khô, mỗi món ăn lại mang hương vị thơm ngon riêng. Thớ thịt lợn vừa mềm vừa dai, càng nhai càng thấy vị ngọt tự nhiên cùng hương thơm đặc biệt tan dần nơi đầu lưỡi.
Ngoài ra món thịt lợn gác bếp này còn thường được người dân Tây Bắc chế biến thành các món ăn khác nhau. Thịt cứ để trên gác bếp như vậy, đến khi ăn chỉ cần nhắc thịt xuống, bỏ vào chảo nước đun sôi, thêm một nắm gạo nhỏ, mang ra rửa sạch rồi chế biến cùng các nguyên liệu khác. Có thể xào gừng, xào rau cải nhưng ngon và hấp dẫn nhất vẫn là xào với rau rừng.
Món ăn này sẽ ngon hơn khi chấm với chẳm chéo
Chắc chắn miếng thịt với bì giòn, mỡ không ngấy, thịt nạc đậm và tơi ăn cùng với rau rừng sẽ mang lại cho du khách những ấn tượng khó phai. Cũng là món rau xào thịt nhưng với cách làm riêng của đồng bào nơi đây món ăn như có một màu sắc khác, thơm ngon lạ miệng không giống bất kì món ăn nào khác.
Thịt lợn khô gác bếp ngày càng trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Trong không khí của những ngày xuân se lạnh, ngồi nhâm nhi bên chén rượu cay nồng có đĩa thịt lợn khô gác bếp mọi người cũng như gần nhau hơn, mùa xuân và núi rừng cũng như ấm áp hơn.
Hà Dân
lê hùng dũng –
Món thịt lợn gác bếp đã rất ngon rồi, nhưng sẽ ra sao nếu bạn biết cách làm thịt lợn gác bếp và cùng gia đình, bạn bè mình tự chế biến trong một buổi dã ngoại cuối tuần? Hoặc bạn có trổ tài làm món đặc sản này mà không cần mua ở các cửa hàng đặc sản Tây Bắc.
trần thị hoa –
Thịt lợn Gác bếp Tây Bắc là món ngon nổi tiếng vùng này. Với hương vị đặc biệt mà chỉ có bàn tay những người phụ nữ Tây Bắc mới có thể làm ra, thịt lợn khô trở thành đặc sản mà ai ăn một lần cũng nhớ mãi. Cách làm thịt lợn khô gác bếp cũng hao hao như cách làm thịt trâu, thịt bò khô nhưng mỗi loại lại có cái ngon riêng không thể lẫn được.
đỗ mạnh hùng –
Tây Bắc nổi tiếng với món thịt gác bếp từ bao đời nay. Không chỉ có thịt trâu, thịt bò được chế biến thành món ăn đặc sản mà hương vị của món thịt lợn khô gác bếp – Đặc sản Tây Bắc cũng làm người miền xuôi nhớ đến nao lòng.