Văn hóa của dân tộc Thái được nhiều người biết đến với những điệu múa xòe, những bước nhảy sạp rộn ràng, những cố gái duyên dáng với chiếc khăn Piêu. Và nếu để ý một chút khi thưởng thức các món ăn của người Thái, bạn sẽ thấy hầu hết các món ăn đều có một hương thơm rất đặc biệt, đó chính là hương thơm của quả mắc khén.
Mắc khén là một gia vị không thể thiếu trong các món ăn truyền thống của người Thái. Nhiều người đã nói rằng loại gia vị này chính là linh hồn của ẩm thực dân tộc Thái. Nếu thiếu đi mắc khén thì coi như món ăn chẳng có hương vị của núi rừng Tây Bắc, không có “hồn” dân tộc Thái.
Gia vị mắc khén Tây Bắc
Vậy mắc khén là gì, tại sao lại có hương vị đặc biệt như vậy? Mắc khén là một loại cây thân gỗ, chỉ mọc ở những vùng núi cao 500 – 1.500m so với mực nước biển, phần vỏ cây có nhiều gai nhọn. Quả mắc khén khi tươi có màu xanh, khi chín chuyển thành màu hồng, quả tròn và có ngạnh, mọc theo dạng chùm.
Hằng năm cứ vào khoảng tháng 11 là bà con dân tộc vùng Tây Bắc lại vào rừng thu hoạch quả mắc khén. Vì thân cây có gai nên rất khó để trèo, người ta thường dùng khoèo để hái, bó thành từng chùm rồi mang về phơi khô.
Mắc khén khô sẽ tự động tách vỏ, để lộ ra phần hạt đen lấp lánh, cắn nhẹ sẽ thấy hơi the và tê rần nơi đầu lưỡi. Mắc khén cay nhưng là cái cay rất đặc biệt, rất thơm và dễ khiến người ta “nghiện” với hương thơm đặc biệt. Người ta còn ví, ngửi mùi hương mắc khén dễ chịu như được xông tinh dầu ở spa.
Mắc khén sau khi thu hái về được phơi khô
Thường thì mắc khén tươi sẽ cho mùi thơm hơn nhưng không để được lâu nên người dân tộc vùng cao Tây Bắc hay phơi khô để bảo quản, dùng cả năm. Mắc khén khô chỉ cần rang lên là đã tỏa hương thơm ngào ngạt, đem giã nhỏ thì thành loại gia vị tuyệt vời để chế biến các món ăn mang hương vị Tây Bắc.
Hầu hết các món ăn của người Thái đều sử dụng hạt mắc khén. Nếu được thưởng thức những món ăn này bạn sẽ cảm nhận được mùi hương rất đặc biệt, rất riêng so với các món ăn của miền xuôi. Một chút ngòn ngọt, nồng nồng, say say, ngửi rồi ngửi mãi khó lòng dứt ra được.
Chỉ cần ngửi thấy hương mắc khén thôi là đã tưởng tượng được bao món ăn ngon có sự góp mặt của loại gia vị đặc biệt này. Cái bùi bùi, dai dai của thịt trâu khô gác bếp, vị mềm thơm của cá nướng – pa pỉnh tộp, cái ngọt đậm đà của gà nướng, tất cả như tròn vị hơn khi có mùi thơm lừng, cay cay của mắc khén.
Khi khô quả vỏ tự động tách, để lộ hạt đen bên trong
Không chỉ góp mặt trong các món ăn mà mắc khén Tây Bắc còn được người Thái dùng để chế biến nên một loại thức chấm tuyệt ngon đó là chẳm chéo. Mắc khén kết hợp với hạt dổi, ớt, tỏi và một số loại rau thơm thì chấm món gì cũng thấy ngon và đậm đà.
Trong mâm cơm của người Thái bao giờ cũng có hương thơm phảng phất của mắc khén. Đối với những du khách miền xuôi thì đây có thể là một điều lạ lẫm, nhưng với họ điều này đã gắn bó từ khi sinh ra, lớn lên và trở thành nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái. Người Thái quen ăn mắc khén như hơi thở, thiếu đi một chút mắc khén thì món ăn chẳng thể thơm ngon, sẽ không tròn vị được.
Món cá nướng mắc khén
Nếu có dịp đến Tây Bắc, dự bữa cơm của người Thái, trong không gian núi rừng, thưởng thức những món ăn của núi rừng, bạn sẽ biết cái thú vị của mắc khén. Ăn một miếng pa pỉnh tộp đượm mùi mắc khén rừng rồi uống một chút rượu, cái the the của mắc khén hòa cùng chút cay nồng của rượu tạo nên một cảm giác rất lạ. Người Thái có câu “đi ăn cá, về uống rượu”, từng chén rượu mời khách, làm khách chếnh choáng trong men say, trong hương thơm nồng của mắc khén.
Mắc khén, cái tên rất lạ nhưng cũng ẩn chứa trong đó bao điều thú vị, bao món ăn ngon. Theo thời gian, trên những triền đồi, chùm mắc khén vẫn xanh tươi như lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái mãi đến muôn đời sau.
Dân Hà
Hãy là người đầu tiên nhận xét “2kg hạt mắc khén”