Nhọc nhằn hái mắc khén nơi vùng cao Tây Bắc

Hằng năm, mỗi độ tháng 11 về, khi cái giá lạnh của miền sơn cước bắt đầu tràn về cũng là lúc quả mắc khén – gia vị không thể thiếu trong các món ăn dân tộc Tây Bắc lại lúc lỉu từng chùm trên cành. Con người với thiên nhiên như đã hẹn trước, vào mùa này đồng bào dân tộc Thái bắt đầu vào rừng hái mắc khén.

Gia vị làm nên nét độc đáo của ẩm thựcTây Bắc

Nhắc đến mắc khén, chắc chẳng ai còn lạ bởi cái tên này gắn với ẩm thực vùng Tây Bắc. Những món luôn làm “say lòng” thực khách như: thịt trâu gác bếp, thịt gà nướng, cá suối nướng,… không thể thiếu gia vị đặc biệt này.

nhoc nhan hai mac khen - Nhọc nhằn hái mắc khén nơi vùng cao Tây Bắc

Mắc khén – gia vị đặc biệt của núi rừng Tây Bắc

Mắc khén được ví như là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc, không lẫn với bất cứ hương vị nào. Người ta thường bảo, những món ăn này mà không được tẩm ướp bằng mắc khén thì coi như bỏ, bởi nó chẳng hề đúng hương vị của Tây Bắc.

Hạt mắc khén làm nên cái chất rất riêng trong món ăn Tây Bắc, để người ta phải thích, phải nhớ khi đã một lần ăn thử. Nếu như hạt tiêu chỉ thơm thơm, hương thơm xộc ngay vào mũi thì mắc khén lại có mùi thơm vừa nồng nàn nhưng lại nhẹ nhàng, không quá đậm, cũng không hề gây khó chịu.

nhoc nhan hai mac khen 1 - Nhọc nhằn hái mắc khén nơi vùng cao Tây Bắc

Thịt gà nướng mắc khén

Cũng chính vì vậy mà hương thơm của mắc khén khiến ai cũng phải say mê, như chàng trai trẻ ngược vùng Tây Bắc trót say mê cô sơn nữ dịu dàng.

Xem thêm:  Cách làm thịt bò khô gác bếp đặc sản Tây Bắc

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Nhưng để lấy được những chùm mắc khén thơm nồng về nhà, ướp thành các món thịt đặc sản nổi tiếng thì không phải là điều dễ dàng. Trước đây mắc khén mọc khắp nơi, thậm chí ngay bên những mái nhà sàn. Bà con nơi đây còn thường chặt cả cây chỉ để lấy mỗi quả. Còn bây giờ, mắc khén càng ngày càng hiếm, phải đi rất xa trong rừng mới có thể hái được, cũng vì vậy mà gia vị này trở nên đắt đỏ hơn. Vì có giá trị kinh tế cao nên hiện nay mắc khén cũng được trồng khá nhiều, nhưng loại quả ở trong rừng vẫn được ưa chuộng hơn cả.

nhoc nhan hai mac khen 2 - Nhọc nhằn hái mắc khén nơi vùng cao Tây Bắc

Hoa mắc khén

Cây mắc khén ra hoa thành từng chùm trắng như hoa xoan, đến tháng 11 thì đậu quả và đây cũng là thời điểm người dân vào rừng hái mắc khén.. Vào mùa mắc khén, đàn ông con trai trong bản, từng tốp 3 – 5 người rủ nhau vào rừng lấy mắc khén cùng các sản vật khác của rừng.

Vì vào rừng nên việc đi lại khá vất vả, phải những ai dai sức mới có thể đi được. Vùng núi cao, có những đợt mưa to kéo dài khiến con đường vào rừng trở nên trơn trượt hơn bao giờ hết. Những ngón chân cứ thế bám chặt xuống đất để giữ cho người khỏi ngã. Những cơn gió rít từng hồi qua kẽ lá, cái lạnh cứa vào da thịt, buốt giá. 

Xem thêm:  Những món ăn đặc sắc ở Điện Biên

nhoc nhan hai mac khen 3 - Nhọc nhằn hái mắc khén nơi vùng cao Tây Bắc

Chùm quả mắc khén

Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, thân rất cao. Hơn thế nữa, thân cây được bao bọc bởi rất nhiều gai nhọn. Chính vì vậy để trèo lên cây cao, lấy được những chùm mắc khén là cả một hành trình gian nan. Những người đàn ông to khỏe trèo lên những thân cây. Họ cầm những cây sào tre hoặc cây rừng cứng cáp, có chiều dài tương ứng, xung quang quấn chặt bằng dây thừng hoặc dây rừng, gọi là thang dây rồi leo lên. Trèo lên đến thân cây họ dùng câu liềm kéo những cành có quả cho rơi xuống.

nhoc nhan hai mac khen 4 - Nhọc nhằn hái mắc khén nơi vùng cao Tây Bắc

Thân cây mắc khén

Dù những người đàn ông có kinh nghiệm vào rừng nhiều năm, nhưng bởi thân cây cao và có nhiều gai nhọn nên không thể tránh được việc xây xát. Những chuyến đi thường kéo dài nhiều ngày, đôi khi là cả chục ngày trời. Có những cơn mưa rừng thường đến bất chợt, sấm chớp vang trời, rồi vắt, rồi muỗi, rồi rắn rết. Thật đúng là “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Sau những ngày đi rừng, họ trở về nhà, đôi khi chẳng được thứ chi đôi khi là rất nhiều nào măng, nào nấm, nào thú rừng, nào mật ong và không thể thiếu mắc khén rừng. Mắc khén sau khi lấy về, được nhặt bỏ những cành khô rồi đem phơi nắng. Người Thái đen có thói quen để thức ăn, vật dụng lên gác bếp. Hạt mắc khén cũng vậy, khi đã khô rồi thì được để lên gác bếp, lúc sử dụng chỉ việc mang xuống rang thơm, giã mịn.

Xem thêm:  Top 10 món ăn nổi tiếng không nên bỏ lỡ khi du lịch Điện Biên

nhoc nhan hai mac khen 5 - Nhọc nhằn hái mắc khén nơi vùng cao Tây Bắc

Mắc khén đã được phới khô

Cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc hãy còn vất vả là vậy nhưng họ vẫn không ngại khó, ngại khổ. Người Tây Bắc xem đi rừng như là một niềm vui, là điều bình thường như hằng ngày họ hít thở. Họ vẫn yêu rừng, vẫn gắn bó với rừng và ngược lại rừng vẫn hằng ngày nuôi sống họ, chở che cho họ và ban tặng cho họ thứ gia vị ít nơi nào có được – mắc khén rừng.

Dân Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *