Bánh chưng nếp nương Điện Biên dân dã, béo ngậy, thơm đậm đà “gói trọn” hồn Tây Bắc

Từ những hạt nếp nương dẻo thơm; thịt lợn mán sạch; đỗ xanh; lá riềng… qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã làm ra những chiếc bánh chưng thơm ngon trứ danh.

Vùng đất Điện Biên vốn nổi tiếng với rất nhiều món ăn mang hơi hướng của núi rừng Tây Bắc. Trong đó, ngoài gạo thơm, thịt gác bếp, sâu chít, chẳm chéo, gà đen Tủa Chùa, xôi ngũ sắc… thì vùng đất này còn có một đặc sản khác khiến du khách thập phương nức lòng bởi độ thơm ngon đặc biệt – đó là bánh chưng.

banh chung nep nuong dien bien dan da beo ngay thom dam da “goi tron” h - Bánh chưng nếp nương Điện Biên dân dã, béo ngậy, thơm đậm đà “gói trọn” hồn Tây Bắc

Bánh chưng thơm ngon, vị đậm đà, béo ngậy, làm nức lòng người thưởng thức

Bánh chưng vốn là một trong những sản phẩm ẩm thực phổ biến ở nhiều vùng miền trên cả nước. Riêng ở miền Bắc, nơi xuất hiện không ít vựa trồng lúa nếp thơm đặc sản – nguyên liệu chính của bánh chưng, thêm nữa lại có mùa đông lạnh đặc trưng nên loại bánh này xuất hiện khá nhiều ở các làng nghề.

Tuy nhiên, so với bánh chưng ở các làng nghề khác, bánh chưng có xuất xứ từ vùng đất Điện Biên cũng không hề “lép vế” vì có màu sắc khá bắt mắt, hương vị thơm ngon lại rất riêng, thơm dễ chịu, ngon mà không ngán ngấy, tổng hòa được hương vị Tây Bắc thấm đẫm trong từng hạt gạo dẻo thơm.

banh chung nep nuong dien bien dan da beo ngay thom dam da “goi tron” h 1 - Bánh chưng nếp nương Điện Biên dân dã, béo ngậy, thơm đậm đà “gói trọn” hồn Tây Bắc

Để làm nên chiếc bánh chưng ngon thì nguyên liệu làm bánh được tuyển lựa hết sức cẩn thận, kỹ càng.

Ở Điện Biên có nhiều hộ làm bánh chưng nhưng một trong những loại bánh “thượng hạng” được thực khách ghi nhận phải kể đến bánh chưng Bà Kiều (ở TP. Điện Biên) với số năm xuất hiện trên thị trường đã chạm tới con số… 30.

Xem thêm:  Cách làm cá nướng mắc khén đậm chất ẩm thực Tây Bắc

Được biết, để làm ra một chiếc bánh chưng chuẩn về hình thức, thơm ngon vừa độ thì khâu chuẩn bị cũng khá kỳ công. Thông thường, khi làm bánh chưng, nguyên liệu chính cần phải chuẩn bị là gạo nếp. Tuy nhiên, để làm bánh ngon thì gạo nếp phải là loại gạo “tuyển”, là nếp nương Điện Biên chính hiệu, hạt to, dài, căng mẩy đều đặn và tỏa mùi thơm đượm. Để bánh có màu xanh bắt mắt, đẹp tự nhiên, gạo sẽ được đem ngâm với nước cốt của lá riềng. Lá phải chọn loại bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Nước cốt thu được sau khi giã lá và lọc kỹ cho hết cợn sẽ được đem ngâm vào gạo với lượng và thời gian vừa đủ để cho hạt gạo thấm màu xanh đồng đều từ trong ra ngoài.

banh chung nep nuong dien bien dan da beo ngay thom dam da “goi tron” h 2 - Bánh chưng nếp nương Điện Biên dân dã, béo ngậy, thơm đậm đà “gói trọn” hồn Tây Bắc

Gạo nếp nương dẻo thơm kết hợp với cốt lá riềng sẽ cho ra thứ bánh có vỏ ngoài xanh mướt như màu cốm, thơm khó cưỡng.

Sau phần chuẩn bị gạo, người làm tiếp tục hoàn thiện phần nhân bánh. Cũng giống như nhiều vùng miền khác, nhân bánh chưng Điện Biên cũng được làm từ đỗ xanh và thịt ba chỉ. Thế nhưng, đỗ xanh được chọn phải là loại có xuất xứ từ những vùng quê chuyên trồng đỗ, loại này khi nấu sẽ bở tơi, màu vàng óng và cho vị vừa béo, vừa bùi. Thịt ba chỉ phải là thịt của loại lợn mán giống hiếm được nuôi bởi người bản địa. Trung bình, người nuôi phải mất khoảng 3 năm mới có thể hoàn thành một lứa lợn đủ chuẩn để xuất chuồng. Và trong quá trình nuôi, lợn được thả rông, hoàn toàn không được cho ăn cám; thay vào đó là các loại thức ăn tự nhiên như ngô, khoai, sắn và rau rừng. Do đó, thịt lợn sạch, cho vị thơm ngon, an toàn cho người sử dụng.

Xem thêm:  Mùi khói nhớ thương

Để nhân ngon mà không bị rã nát, thịt ba chỉ làm nhân sẽ được thái miếng bản to vừa vặn. Còn đỗ xanh sẽ được đãi cho sạch vỏ rồi đồ (hông) cho chín, sau đó đem giã nhuyễn và trộn gia vị với một lượng vừa đủ, căn sao cho bánh thành phẩm sau chế biến phải tròn vị, không bị quá mặn và cũng không quá nhạt.

Cùng với gạo nếp và nhân bánh, người thợ sẽ đồng thời chuẩn bị lá gói. Khác với nhiều làng nghề bánh chưng khác sử dụng lá gói là dong vườn hay lá chuối thì ở Điện Biên, những người thợ làm bánh sử dụng lá dong rừng xanh mướt mát, thơm dịu nhẹ. Để chiếc bánh đảm bảo vệ sinh, trước khi gói, người ta đem lá rửa cho thật sạch, sau đó lâu khô và để nơi thoáng mát.

banh chung nep nuong dien bien dan da beo ngay thom dam da “goi tron” h 3 - Bánh chưng nếp nương Điện Biên dân dã, béo ngậy, thơm đậm đà “gói trọn” hồn Tây Bắc

Đặc sản bánh chưng thơm ngon của vùng đất Điện Biên.

Khi gói bánh, từng lớp lá dong rừng sẽ được lót phía dưới, lần lượt đổ gạo và đặt nhân, sau đó lại tiếp tục đổ một lớp gạo phía trên sao cho phủ hết phần nhân. Nét độc đáo của bánh chưng Bà Kiều là không cần sử dụng khuôn bánh nhưng người gói vẫn tạo ra những chiếc bánh vuông vức, đẹp mắt, bánh chặt và chắc chắn. Và đặc biệt, sau khi luộc chín, vỏ bánh xanh đều và lạt buộc không hề xô lệch, từng chiếc bánh vẫn “vuông thành sắc cạnh” một cách đều đặn. Thêm vào đó, bánh có thể để trong nhiều ngày nhưng vẫn không bị “lại gạo” nên việc bảo quản không quá khó, có thể vận chuyển đi xa mà vẫn bảo toàn được đúng chất lượng và hương vị.

Xem thêm:  10 món đặc sản Sơn La thơm ngon nức tiếng mua làm quà ăn là nhớ

Và chỉ từ những nguyên liệu mộc mạc, dân dã của núi rừng Tây Bắc, qua đôi bàn tay cẩn thận, tỷ mẩn, khéo léo của người làm đã tạo nên loại bánh chưng thơm ngon, mang hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Đó là tổng hòa từ độ dẻo của gạo nếp nương, độ thơm của lá dong, vị béo của nhân thịt, vị bùi của đỗ hòa lẫn trong sắc bánh xanh mướt mát như màu cốm. Cắn miếng bánh, ngoài hương vị thơm ngon đến tê đầu lưỡi sau khi chạm miếng đầu tiên, người ăn còn cảm nhận được hậu vị thơm đậm đà khó cưỡng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *